Kiến trúc xanh khởi nguồn cho xu hướng kiến trúc đương đại
Với những lập luận: nhà chưa đủ để ở với người thu nhập thấp, chưa đủ đẹp vừa ý người thu nhập cao… hơi đâu mà nghĩ đến “xanh”, đến “môi trường”! nên trong một số giai đoạn trước đây, khái niệm “Kiến trúc xanh”, “Kiến trúc bền vững với môi trường”… là những khái niệm thiếu tính thực tế và tính kinh tế.
Tuy nhiên, trong tình trạng khủng hoảng về năng lượng,tài nguyênvà môi trường thiên nhiên hiện nay, khẩu hiệu “Everything will be blue – blue is the inspiration”, mọi thứ sẽ là “kiến trúc xanh” và “kiến trúc xanh” chính là cảm hứng.Cùng với sựphát triển ồ ạt của các công nghệ tiên tiến trong thiết kế, xây dựng và thông tin viễn thông, thiết kế ngày càng đến gần hơn với con người.
Quan niệm đúng về kiến trúc xanh…
Không nên nhầm lẫn giữa kiến trúc xanh với hình ảnh của các khu nghỉ sang trọng rợp bóng cây hay các toà nhà hi-tech cực hiện đại. Một cách ngắn gọn và cụ thể, có thể dựa trên các câu hỏi đó.
Kiến trúc xanh tại khu biệt thự ở Malaysia
Cơ quan uy tín về kiến trúc Hoa Kỳ - American Institute of Architects - hàng năm khi bình chọn trao giải công trình xanh như: Có sử dụng năng lượng hiệu quả không? Có tận dụng ánh sáng tự nhiên và tiết kiệm nước không? Công trình có hoà nhập với cộng đồng chung quanh không? Tóm lại, cái mà ta xây có tác động thế nào đến môi trường tự nhiên và xã hội chung quanh ta? để hiểu được khái niệm “Kiến Trúc Xanh”.
Cũng không nên quan niệm “xanh” là hoàn toàn không dùng máy lạnh, mà nên hiểu là trong phương án thiết kế có sử dụng các giải phápcách nhiệt tốt, che chắn nắng tốt…, để máy lạnh hoạt động thấp mà hiệu quả cao. Xanh cũng không phải là không dùng kính (vì kính giúp đưa ánh sáng vào nhà giảm chi phí chiếu sáng) nhưng phải dùng kính hai lớp, phản quang, cách nhiệt, cách âm, chống bụi tốt. ở những nơi có thể, người ta tận dụng tối đa thông thoáng tự nhiên, cải tạo vi khí hậu quanh nhà bằng cây xanh, hồ nước, thảm cỏ… Từ đó tiến dần đến ngôi nhà hoàn toàn dùng thông thoáng tự nhiên (passive house).
Cần phải tránh thái độ cực đoan về kiến trúc xanh (xanh là mái nhà tranh trong vườn cây xanh mướt) vì đời sống hiện đại không phải lúc nào cũng như thế được. Luôn cần có sự hiểu biết sâu sắc về môi trường tự nhiên và xã hội trước khi đề ra giải pháp thiết kế cho “kiến trúc xanh”. Khác với vùng ôn đới: mặt trời luôn ở phía bắc hay phía nam, tuỳ thuộc nhà ở nam hay bắc bán cầu mà mở cửa sổ về hướng đó để lấy nhiệt. Vùng nhiệt đới thì ngược lại, cần tránh nhiệt, mặt trời nằm ở phía đông và tây nên tường quay về phía đó và phải được che chắn cách nhiệt tốt. Mái nhà là nơi bị chiếu sáng suốt ngày nên phải chống nóng cho mái nên có thể dùng mái có nước, nước cản nóng rất tốt. Dĩ nhiên nó sẽ sinh nhiều vấn đề như muỗi chẳng hạn. Cho nên tuỳ theo vị trí mái có chăm sóc, bảo trì dễ hay không để khắc phục: Thả cá được không? Làm vườn cảnh được không?
Lợi ích của kiến trúc xanh…
Trước hết, kiến trúc xanh mang đến cái lợi trực tiếp chứ không viển vông: giá điện ngày càng cao và nếu tuân thủ thiết kế xanh, hoá đơn tiền điện sẽ giảm rất nhiều do ta giảm được máy lạnh, điện chiếu sáng, điện nấu nước nóng… Chi phí y tế ngày càng cao, nên nếu thiết kế xanh, căn nhà sẽ có bầu không khí sạch, giảm thiểu bụi bặm và các hoá chất (có rất nhiều trong vật liệu xây dựng, đồ nội thất, các loại sơn, thảm…) giúp ta giữ gìn sức khoẻ, giảm các chi phí y tế…
Thứ hai, mối đe doạ từ sự xuống cấp của môi trường ngày càng sát sườn: những làng ung thư do môi trường bị ô nhiễm, thông tin về lượng bụi làm giảm chất lượng không khí của Hà Nội đến mức người ở Hà Nội 10 năm bị bệnh về hô hấp cao gấp nhiều lần người ở dưới 3 năm lại là một cảnh báo nữa; xuất hiện những căn bệnh như dị ứng triền miên vì không khí ở ngay trong nhà ngày càng xấu đi. Rồi tình trạng thiếu điện nghiêm trọng đang diễn ra vài tuần gần đây lại là một cảnh báo khác nếu cứ xây nhà mà chỉ dựa vào năng lượng điện để làm mát.
Với tất cả những tác động gần, xa, những trách nhiệm cùng quyền lợi khái quát trên, ta gần như đoán chắc rằng, nhận thức và áp dụng “kiến trúc xanh” đang đứng ngay trước cửa ngõ nhà mình và không có cách nào khác hơn là phải chú ý và dần áp dụng nó thôi.
Kiến trúc với các vật liệu thân thiện với môi trường
Tiêu chí đánh giá kiến trúc xanh…
Tổ chức Nghiên cứu Xây dựng Anh (Building Research Establishment – BRE) và một số nhà nghiên cứu tư nhân cùng đưa ra tiêu chí đánh giá công trình xanh vào năm 1990, mục đích là để chỉ đạo thực tiễn xây dựng kiến trúc xanh một cách có hiệu quả và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của xây dựng đối với môi trường khu vực và toàn cầu. Trước tiên, BRE cho rằng đối với hạng mục kiến trúc ở vào các giai đoạn khác nhau thì nội dung đánh giá tương ứng cũng khác nhau. Nội dung đánh giá gồm 3 mặt: Tính năng kiến trúc, thiết kế xây dựng và vận hành quản lý, trong đó đối với kiến trúc ở vào giai đoạn thiết kế, giai đoạn mới xây và giai đoạn mới xây xong và đang tu sửa thì đánh giá 2 mặt tính năng kiến trúc và thiết kế xây dựng, tính toán đẳng cấp BRE và chỉ số tính năng môi trường, đối với kiến trúc hiện có đang được sử dụng hoặc một bộ phận thuộc về hạng mục quản lý môi trường đang được đánh giá thì đánh giá 2 mặt tính năng kiến trúc, quản lý và vận hành, tính toán đẳng cấp BRE và chỉ số tính năng môi trường. Các điều mục đánh giá bao gồm 9 mặt lớn:
1. Quản lý: Chính sách và quy trình;
2. Lành mạnh và dễ chịu: Môi trường trong và ngoài phòng;
3. Năng lượng: Tiêu hao năng lượng và phát thải CO2;
4. Vận tải: Quy hoạch địa điểm hữu quan và phát thải CO2 khi vận tải;
5. Nước: Vấn đề tiêu hao và rò rỉ;
6. Nguyên vật liệu: Chọn lựa nguyên liệu và tác dụng đối với môi trường;
7. Sử dụng đất: Cây xanh và sử dụng đất;
8. Sinh thái khu vực: Giá trị sinh thái của địa điểm;
9. Ô nhiễm: Ô nhiễm không khí và nước.
Mỗi điều mục chia ra nhiều điều mục nhỏ, tiến hành đánh giá kiến trúc lần lượt trên 3 mặt tính năng kiến trúc hoặc thiết kế và xây dựng hoặc quản lý và vận hành. Đáp ứng yêu cầu tức là có thể có được số điểm tương ứng.
Ứng dụng Kiến trúc xanh trong điều kiện Việt Nam…
Vật liệu xây dựng sẽ được làm từ những nguyên liệu tái chế không ảnh hưởng tới sức khoẻ con người và môi trường. ở Việt Nam, xu hướng tổng quát có thể ghi nhận là ngôi nhà sẽ thay đổi với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào kiến trúc.
Với loại hình căn hộ, năm 2007, ở chừng mực nào đó, người tiêu dùng có thể sẽ tiếp cận với một thực tế: những công nghệ mới cho phép sử dụng kết cấu mới và vật liệu xây dựng mới có kích cỡ nhỏ, ít chiếm chỗ hơn kết cấu bê tông cốt thép kiểu cũ. Điều này cho phép dành nhiều không gian hơn cho nhu cầu ở và sinh hoạt. Mỗi căn hộ sẽ có phòng (hoặc khu vực) sun-room có ánh sáng trời và mảng xanh nho nhỏ. Một cao ốc căn hộ, chung cư cũ thường bắt đầu bằng công thức cây xanh sân chơi - lobby - phòng và nơi vui chơi, thể thao có thể đưa lên nơi cao nhất. Nay thì người ta có thể dành 1- 2 tầng cho nhu cầu cây xanh ngay trong khối nhà chen lẫn với những tầng có người ở. Cùng với đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát việc tiêu thụ và cung cấp năng lượng cho căn hộ sử dụng các nguồn năng lượng sạch tích hợp trong khối nhà như năng lượng mặt trời, gió...
Với loại hình nhà phố, thời gian tới sẽ là cơ hội để các chủ nhà ứng dụng công nghệ mới cho ngôi nhà của mình. Trước hết, thể loại nhà phố là do tập quán, thực tế vẫn sẽ là loại hình nhà ở trường tồn trong một thời gian dài. Bê tông cốt thép vẫn sẽ là vật liệu kết cấu đại trà, phổ biến. Việc sử dụng năng lượng mặt trời sẽ phổ biến hơn do pin mặt trời ngày càng có công năng tốt, giá thành rẻ. Đèn chiếu sáng ngoài trời, hàng rào... có thể dùng năng lượng mặt trời. Những tiến bộ kỹ thuật sẽ cho phép cải tiến hệ thống thông tin liên lạc, dây truyền tín hiệu trong nội bộ và ra ngoài theo hướng đơn giản mà tốt hơn. Bắt đầu có sử dụng thiết bị kết nối không dây. Về vật liệu, tấm 3D sẽ được chú ý hơn. Hiện nay trên thị trường, tấm 3D được sử dụng đi kèm với thiết kế đồng bộ. Sẽ đến lúc tấm 3D xuất hiện trên thị trường giống như tấm thạch cao, ván ép hiện nay. Trong kiến trúc mặt tiền nhà phố sẽ có sự thay đổi. Các ban công sẽ ít được ứng dụng hơn, thậm chí sẽ biến mất ở một số mẫu vì sự ô nhiễm, bụi bặm, ồn ào. Trong điều kiện đó, cấu trúc mặt tiền ngôi nhà theo kiểu có “lớp vỏ” sẽ được ứng dụng nhiều hơn. Bức tường gạch không phải là mặt tiền “trực tiếp” tiếp xúc với bên ngoài. Lớp vỏ có thể là kính, tấm nhôm… và giữa bức tường với lớp vỏ sẽ có lớp đệm không khí để cách nhiệt, giảm ồn. Khi đó, mặt tiền ngôi nhà sẽ dễ tạo hình hơn.
Tòa nhà Gerkin - TP. London Anh. Biểu tượng của kiến trúc xanh năng lượng
Một xu hướng nữa cần được ghi nhận là ứng dụng của thuật phong thuỷ. Thực tế, ngày càng có nhiều người quan tâm đến vấn đề này. Đôi khi, chính chủ đầu tư xây nhà không quan tâm lắm thì người thân của họ như cha mẹ, anh em lại quan tâm. Đây là việc khó bởi phong thuỷ là một khoa học có mang những yếu tố tâm linh. Phong thuỷ còn có đặc thù của mỗi quốc gia theo phong tục, tập quán… Có thể trong thời gian không xa nữa sẽ xuất hiện hội tập hợp những người quan tâm đến phong thủy. Lúc đó sẽ có điều kiện để mọi người cùng hiểu đúng và ứng dụng đúng thuật phong thủy trong kiến trúc, xây dựng.
Ths.KTS.Phạm Hoàng Phương
Theo tạp chí Kiến trúc Việt Nam (tháng 2 năm 2008)