Giải pháp xanh cho ban công nhà chung cư
Bởi giá trị kinh tế quá lớn của một mét vuông nhà chung cư nên nhiều khi bạn lại ít quan tâm đến những điều xa xỉ như thiết kế một khoảng xanh trong nhà. Nhưng điều bạn không ngờ đến là chỉ cần khoảng dăm ba mét trước nhà, sau nhà hay chính là phần logia*, ban công của các khu chung cư cao tầng đều có thể tận dụng để làm thành vườn xanh.
Vậy làm thế nào để cuộc sống trong những nhà chung cư cao tầng được sở hữu những khu vườn mơ ước?
Phác thảo ý tưởng
Khi bắt tay vào cải tạo một không gian sẵn có, bạn cần phải có một bản phác thảo những ý tưởng mà bạn muốn thực hiện. Trong bản thiết kế đó, bạn cần để ý đến yếu tố quan trọng số một là ý tưởng chính phân chia không gian sử dụng trong khu vườn. Kế đến, xác định vị trí những điểm nhấn để khu vườn của bạn có những chủ đề và phong cách độc đáo riêng.
Phác thảo ý tưởng từ trên giấy
Một số lưu ý kỹ thuật trước khi thực hiện
Thoát nước, đất nền và chọn loại cây trồng là những điều bạn nên cân nhắc kỹ trước khi bắt tay vào hiện thực hóa phác thảo.
Lưu ý vị trí lỗ thoát nước, hướng đánh dốc nền để không bị ảnh hưởng khi có lượng nước mưa lớn và thoát nước tốt khi muốn xây dựng các tiểu cảnh hồ nước. Nên chọn các loại đất nhẹ dễ kiếm và thay thế ở các cửa hàng cây cảnh. Chọn các loại cây mình yêu thích để bố trí vào những điểm hút tầm mắt. Sử dụng các loại cây dễ trồng ưa nắng và dễ dàng chăm sóc, một số loại hoa có thể thay thế theo mùa tạo sự sinh động.
Cần thiết phải cân nhắc để mở rộng diện cửa ra ban công không chỉ với tác dụng lấy gió tươi mà còn tạo ra sự kết nối tốt hơn với những không gian rộng, mở tối đa tầm nhìn ra thiên nhiên.
Vườn “từ trong ra ngoài”
Nên tạo thêm mối liên hệ từ nội thất tới khu vườn ngoài logia bằng cách bố cục tranh với chủ đề tự nhiên, hay bày thêm những lọ hoa trong nhà. Quan trọng nhất là bạn cần làm gia tăng cảm giác tiếp cận thiên nhiên, vườn ở khắp nơi trong căn hộ.
Phòng khách kết hợp tranh phong cảnh, hoa tươi, hoa khô và cây cảnh
Những nhành hoa khô ấn tượng ngay chính giữa không gian phòng khách như lời chào thân thiện
Thể hiện cá tính
Có rất nhiều phong cách để bạn tạo dựng cho khu vườn nhỏ trên cao của mình: Phong cách thiền, phong cách hiện đại, phong cách cổ điển, phong cách mộc…
Không gian trước khi cải tạo
Không gian sau khi cải tạo
Khu vườn nhỏ này có âm hưởng Phật giáo và thiền đạo, tạo nên nét thư thái yên bình và tĩnh tâm cho chủ nhà. Bạn cũng có thể dễ dàng kiếm tìm và tự thể hiện cho khu vườn nhà mình một chủ đề yêu thích.
Các vật liệu mộc, mang tính thủ công
Chậu cây treo trên thành lan can tăng thêm màu xanh
Hãy đơn giản hóa khu vườn của bạn. Những chủng loại cây xanh trong khu vườn không cần quá cầu kỳ phức tạp, đôi khi bạn hãy thử tự tay trồng một vài loại cỏ hay rau sạch. Sẽ là vô cùng ý nghĩa cũng như hạnh phúc xen lẫn sự háo hức khi nếm thử hương vị những nhánh rau sạch trăm phần trăm mà mình tạo ra. Thêm vào đó việc tự trồng rau còn góp phần giáo dục cho trẻ ý thức với môi trường sống và tình yêu thiên nhiên.
Cân bằng Âm - Dương
Thác nước và vòi phun tạo nên cảm giác mềm mại, mát mẻ cho căn hộ
Nước là yếu tố cân bằng âm dương cho khu vườn. Việc sáng tạo ra một không gian nước sinh động luôn đem lại hiệu quả thu hút lớn. Đôi khi bạn có thể dành hàng giờ để ngắm những dòng nước chảy để vơi đi những vất vả lo toan của cuộc sống. Trong không gian hạn hẹp bạn có thể áp dụng nước dưới dạng các thác nước theo trục đứng bên cạnh việc thu nhỏ các khoảng chiếm đất của các hồ nước.
Bể cá cảnh làm cho khu vườn trở nên sinh động
Bạn nên tạo những bể cá kích thước vừa phải với tỉ lệ của khu vườn. Nuôi những chú cá vàng trong quan niệm phong thủy phương Đông là những linh vật đem lại tài lộc may mắn cho chủ nhân căn hộ. Màu sắc vui mắt của những chú cá cũng sẽ giúp bạn bớt căng thẳng sau những giờ làm việc bận rộn. Thử điểm xuyết thêm một vòi phun dạng cầu cũng giúp nước được tạo thành hình lung linh trong ánh sáng đèn ban đêm.
Hãy để những ước mơ về một khu vườn nho nhỏ trên cao được trở thành hiện thực, khu vườn của bạn sẽ là nơi bình yên trở về thư giãn sau một ngày làm việc.
(*: Logia là phần diện tích trung gian giữa bên trong và ngoài nhà. Logia khác với ban công ở chỗ chỉ có một mặt thoáng và không đua sàn ra ngoài mặt bằng xây dựng công trình.)
Theo Afamily.vn - KTS Nguyên Bùi