Không gian giao tiếp trong chung cư
Không gian giao tiếp công cộng chính là phần "mềm" trong một hệ thống nhà chung cư "cứng". Một khu nhà chung cư sẽ trở nên ngột ngạt khó thở khi không có những không gian rỗng giữa những căn phòng đông đặc, tầm mắt con người sẽ bị tù túng trong các rừng bê tông xám xịt, sự hiểu biết con người sẽ bị giam cầm trong các khối vật chất vô hồn và tình cảm con người trở nên vô cảm, nhạt nhẽo trong các bức tường.
Việc tạo ra các không gian giao tiếp là vô cùng cần thiết. Đó chính là một tiêu chí quan trọng của đô thị nhân văn.
1. Không gian giao tiếp là một tiêu chí quan trọng của chất lượng sống
Các đô thị lớn của Việt Nam đang trong quá trình đô thị hoá mạnh mẽ. Hàng loạt khu nhà chung cư tại các khu đô thị được xây dựng rầm rộ trong khoảng chục năm trở lại đây. Các đô thi lớn đang hướng tới những tiêu chí nhà ở chung cư cao tầng hiện đại, đáp ứng nhu cầu diện tích ở của xã hội với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Các nhà đầu tư là tổ chức hay cá nhân đang chạy đua xây dựng các kiểu hình nhà chung cư nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế với những lợi ích khổng lồ về mặt tài chính.
Không gian giao tiếp trong Tòa căn hộ cao cấp Eden, Singapore
Mỗi gia đình cá nhân đang phấn đấu để có thể sở hữu được 1 căn hộ ở với đầy đủ tiện nghi sang trọng như một tiêu chí của cuộc sống!.
Các nước có đô thị phát triển trên thế giới đang xem xét lại tiêu chí cho không gian ở theo hướng ngược lại với các nước đang phát triển như Việt Nam. Một trong các tiêu chí đó là nhiều màu xanh, thân thiện cởi mở.
Nhiều người nhận ra rằng một căn hộ đắt tiền sang trọng trong tòa nhà chung cư hiện đại cao tầng chưa phải là tiêu chí cao nhất cuối cùng cho không gian ở của con người. Một khu chung cư hiện đại dành cho những người giàu có nhưng con người ở trong đó luôn cảm thấy cô đơn, chịu những áp lực nặng nề của xã hội hiện đại thì mọi sự giàu có trở nên vô nghĩa. Việc tổ chức thiết kế các khu chung cư sao cho con người sống trong một môi trường bình đẳng, thân thiện, tự do, an toàn, hài hòa và ấm áp. Chính vì thế con người trong đô thị hiện đại rất cần có các không gian công cộng, không gian giao tiếp xã hội không chỉ mang tính xã giao mà còn cần đạt đến một không gian tràn đầy tính nhân văn.
2. Con người cần có không gian giao tiếp?
Xã hội càng hiện đại, con người ta càng trở nên cô đơn và nhỏ bé. Trong xã hội hiện đại, con người dường như là chuyển động lướt qua bên cạnh nhau nhiều hơn đứng bên nhau để thân thiện chia sẻ với nhau. Đó là một thực tế. Hãy quan tâm chia sẻ với tôi là một khát khao không chỉ của người già cô đơn mà ngay cả với những thanh niên sôi nổi, tràn đầy sức sống.
Những ai đã có khái niệm chung cư đều có thể cảm nhận được:
+ Chung cư giống như cái hộp: các căn hộ được tạo ra bằng các vách ngăn bê tông, gạch vữa xi-măng, kính ngăn làm ngăn cách con người. Cuộc sống diễn ra trong những cái hộp và con người xê dịch từ cái hộp này tới cái hộp khác. Bản chất của xã hội truyền thống là liên kết cộng đồng, nhưng thiết kế chung cư hiện nay đã góp phần làm cho các cộng đồng bị ngăn cách.
+ Chung cư có hệ thống dịch vụ ngày một hoàn thiện: chính điều này đã tước đi cái bản chất của khái niệm “chia sẻ”. Nếu trong xã hội nông nghiệp, người ta phải dựa vào nhau để tồn tại trên tinh thần “tối lửa tắt đèn có nhau”, thì sang xã hội đô thị người ta chủ yếu dựa vào dịch vụ. Dịch vụ tốt là một mục tiêu của xã hội hiện đại như chuyện hiếu chuyện hỉ đều có dịch vụ từ lớn nhất đến nhỏ nhất và vô hình chung, dịch vụ hoàn hảo làm triệt tiêu dần quan hệ cộng đồng.
+ Công nghệ và kỹ thuật ngày một hiện đại: nhờ công nghệ mới, cuộc sống con người dễ dàng hơn, nhưng làm cho khoảng cách tâm lý - xã hội lớn hơn. Điện thoại, internet là những ví dụ sống động cho việc con người thực hiện hàng trăm cuộc giao tiếp trong một ngày cho dù đó là trực tuyến (online) nhưng gặp gỡ lại ít đi. Cũng do sự hoàn hảo của công nghệ và kỹ thuật mà con người có thể thực hiện được các yêu cầu cá nhân mà không phải ra khỏi căn hộ như mua hàng, trả phí dịch vụ, đóng thuế, thậm chí là học hành, làm việc.
+ Cá nhân hóa tăng cao và cộng đồng giảm xuống: Ở đô thị người ta đặt cá nhân cao hơn cộng đồng do cuộc sống đô thị làm cho con người phải lựa chọn sao cho có lợi nhất cho bản thân, trong khi tài chính, thời gian luôn bị hạn chế theo chủ nghĩa “tối ưu hoá”. Trong nhiều trường hợp, cá nhân hoá bị đẩy đến mức cực đoan thành chủ nghĩa cá nhân ích kỷ.
+ Trong xã hội đô thị quan hệ con người ít sống trong nhóm nguyên thuỷ mà sống và làm việc phổ biến là ở trong quan hệ chức năng. Tức là người ta quan hệ với nhau theo công việc và hoạt động chủ yếu trong nhóm chức nghiệp, vai trò của nhóm cấp một bị giảm sút đi. Các quan hệ nguyên thủy như quan hệ thân tộc, quan hệ láng giềng, quan hệ quen biết giữa các cá nhân. Chúng có vai trò rất lớn ở các xã hội nông thôn nhưng ở đô thị, chúng hầu như mất đi vai trò điều chỉnh đời sống cá nhân hoặc nếu có cũng rất suy yếu. Trong xã hội đô thị, các quan hệ chức năng lấn át quan hệ nguyên thuỷ, mọi người phải trông cậy vào hệ thống chức năng ấy để sống và làm việc.
Trước một xã hội như thế, người ta nhận thấy phải làm sao cho con người đô thị sống với nhau gần gũi hơn và thân thiện hơn. Sự lạnh lẽo và vô cảm sẽ làm cho con người không được lành mạnh về tinh thần, cộng thêm vào đó là sức ép đô thị (ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, tội phạm, việc làm không ổn định, rủi ro, cạnh tranh gay gắt) làm cho con người mệt mỏi hơn.
Không gian giao tiếp công cộng chính là phần "mềm" trong một hệ thống nhà chung cư "cứng". Một khu nhà chung cư sẽ trở nên ngột ngạt khó thở khi không có những không gian rỗng giữa những căn phòng đông đặc, tầm mắt con người sẽ bị tù túng trong các rừng bê tông xám xịt, sự hiểu biết con người sẽ bị giam cầm trong các khối vật chất vô hồn và tình cảm con người trở nên vô cảm, nhạt nhẽo trong các bức tường. Việc tạo ra các không gian giao tiếp là vô cùng cần thiết. Đó chính là một tiêu chí quan trọng của đô thị nhân văn.
3. Từ không gian đến không gian giao tiếp văn hóa
Để có được không gian giao tiếp thì trước hết phải tạo ra được không gian rỗng trong các khu chung cư. Những không gian không có công trình xây dựng, nó có thể là vườn cây, thảm cỏ nơi mà có thể thực hiện được những quan hệ giao tiếp. Điều này bị bó buộc bởi các chủ đầu tư chạy theo lợi nhuận.Tiếp theo là phải làm cho không gian trở thành nơi giao tiếp công cộng mang ý nghĩa văn hóa. Việc tạo ra không gian cơ học đã khó, nhưng làm cho không gian đó hấp dẫn mọi người và quản lý nó không phải là dễ. Cần tạo không gian đó những cảnh trí, đồ vật tạo ra sự hấp dẫn kích thích con người muốn xích lại gần nhau. Một ví dụ được nhắc đến hiện nay là nhà sinh hoạt cộng đồng trong nhà ở chung cư.
Để tạo không gian giao tiếp, vai trò của nhà quy hoạch, của KTS là hỗ trợ và tạo điều kiện để cho các không gian rỗng có ý nghĩa. Chẳng hạn giữa hai toà nhà cao tầng là những mảnh sân nhỏ với vài cái bập bênh, cầu trượt, xích đu, đu quay để cho trẻ em chơi với nhau và trẻ em chính là cầu nối giữa người lớn xích lại gần nhau hơn. Các nhà thiết kế đô thị cũng nhận thấy rõ ràng, các yếu tố bên ngoài như khung cảnh trữ tình, ánh sáng, màu sắc lãng mạn, bố cục hình khối hấp dẫn, môi trường thân thiện rất dễ làm cho con người dù xa lạ cũng muốn mỉm cười với nhau.
Tao Zhu Yin Yuan - Chung cư Xanh ấn tượng tại Đài Bắc, Đài Loan
Nếu bạn đã từng đến Nam Ninh (Trung Quốc) thì hình ảnh những khu chung cư được tổ chức thiết kế xây dựng quần thể không gian giao tiếp là không thiếu. Nhưng việc tạo ra không gian giao tiếp hấp dẫn không phải là dễ, ở đó không chỉ có các vật thể mà phải tỏa ra sự hấp dẫn khiến cho người ta muốn đến và muốn chia sẻ tình cảm. Thực tế cho thấy nhiều tụ điểm vui chơi, nhiều câu lạc bộ bỏ tiền tỷ nhưng không một ai lai vãng hoặc giả các vườn dạo ở khu dân cư thì quá nhếch nhác, phần lớn trở thành bãi rác, nơi phóng uế. Như vậy việc quản lý và làm cho các không gian giao tiếp ít ỏi ở trong các toà nhà chung cư phát huy tác dụng là điều quan trọng.
Để có được không gian giao tiếp văn hóa, chúng ta nên làm những việc sau đây:
+ Hãy xem người Nhật, trong một khuôn viên nhỏ nhất họ vẫn có thể tạo ra được những vườn đá nho nhỏ. Chính người Nhật đi tiên phong trong việc tạo ra Bonsai để đưa vào nội thất và tạo ra không gian xanh theo chiều thẳng đứng trên bề mặt công trình xây dựng.
+ Để tạo ra không gian công cộng Nhà nước nên có những quy chế bắt buộc các KTS, các nhà xây dựng và cả nhà ở tư nhân phải tôn trọng các không gian cộng cộng trong khi thiết kế và thi công. Phải kiên quyết dành quỹ đất đáng kể và thiết kế các không gian công cộng hợp lý, các không gian công cộng tuy không tạo ra lợi ích dễ thấy ngay ngày hôm nay mà giá trị của nó mang lại rất lâu dài.
+ Các nhà đầu tư cũng cần hiểu rằng, thị trường chung cư hiện nay đang rất ế ẩm. Một ngày tôi nhận được không dưới 3 email mời gọi mua chung cư! Phải chăng một trong những lý do nhà chung cư ế ẩm như hiện nay là do thiếu không gian giao tiếp? Thế hệ chung cư thứ 5 (theo một số các nhà chuyên môn, hiện nhà chung cư ở Việt Nam thuộc thế hệ thứ 4) sẽ sớm ra đời?
4. Sự lựa chọn trong phát triển để tạo ra không gian giao tiếp trong các khu chung cư
Không gian sống có hành vi giao tiếp, không gian giao tiếp văn hóa mang đặc tính nhân văn, tạo không gian có sức hấp dẫn giao tiếp. Những không gian nhỏ không chỉ là nơi có môi trường tự nhiên lý tưởng mà còn được coi là nơi rất ấm áp quan hệ con người với nhau bởi không gian sống tràn ngập văn hóa cộng đồng theo kiểu làng xã xưa kia được phục hồi trở lại.
Một điều thật là lý thú khi phát hiện ra rằng sau hơn 300 năm phát triển, đô thị phương Tây khi đạt đến đỉnh cao thì lại có xu hướng quay trở về với kiểu đô thị giản dị của xã hội nông nghiệp truyền thống. Điều này khiến cho chúng ta suy nghĩ rằng các đô thị châu Á đang sở hữu những gia tài văn hóa đồ sộ, những gía trị tinh thần quý giá của xã hội truyền thống. Nhưng có những lúc để đi cho nhanh, chúng ta đã vội vàng bỏ lại phía sau lưng không ít những di sản văn hóa. Chúng ta cần nhận biết điều này và nhanh chóng phục hưng lại những giá trị văn hóa truyền thống mà thế hệ hôm nay đang mất. Vậy thì nên chăng chúng ta cần có ý thức đầy đủ về việc bảo tồn và phát triển không chỉ không gian công cộng mà còn là các quan hệ xã hội thân thiện mang đầy tính nhân văn trong không gian đó. Nó đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước cùng những chính sách về nhà ở phù hợp với xã hội, trách nhiệm của các nhà quản lý, nhà đầu tư, của các KTS, và cả người sử dụng.
Nhiều người nhận ra rằng một căn hộ đắt tiền sang trọng trong tòa nhà chung cư hiện đại cao tầng chưa phải là tiêu chí cao nhất cuối cùng cho không gian ở của con người. Một khu chung cư hiện đại dành cho những người giàu có nhưng con người ở trong đó luôn cảm thấy cô đơn, chịu những áp lực nặng nề của xã hội hiện đại thì mọi sự giàu có trở nên vô nghĩa.
KTS.Lê Việt Sơn
Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 06/2011